Ngày 1/5 là ngày quốc tế lao động, đây là ngày lễ kỷ niệm và cũng là ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.
Tại thành phố công nghiệp lớn Chicago vào năm 1886, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết, trong đó nêu rõ: “Từ ngày 1/5/1886, người lao động sẽ làm việc 8 giờ.” Sở dĩ chọn ngày 1/5, vì đây là thời điểm bắt đầu một năm kế toán tại các xí nghiệp, nhà máy ở Mỹ. Lúc này sẽ hình thành hợp đồng mới giữa công nhân và chủ.
Nửa cuối thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, đẩy mạnh quá trình sản xuất công nghiệp, tăng cường cường độ lao động, chủ yếu ở các nước Mỹ, Đức, Anh, Pháp…Chính bởi sự bóc lột giai cấp công nhân ngày càng tăng cao nên mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với công nhân lao động ngày càng trở nên gay gắt. Điều này dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh nổ ra ở các quốc gia lớn, nổi bật nhất là ở Mỹ. Trong các cuộc đấu tranh này, vấn đề thời gian làm việc có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Từ ngày 1/5 đến ngày 4/5/1886, giới công nhân ở khắp các nhà máy lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ tổ chức đình công, nhằm gây áp lực yêu cầu giảm giờ làm việc. Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra tại Chicago với lượng người tham gia lên đến hơn 40 nghìn người. Theo đó, số người này nghỉ kiên quyết không đến nhà may. Sự việc này đã lôi kéo một số lượng lớn những công nhân ở các thành phố, quận huyện khác tham gia, 250 nghìn người xuống đường biểu tình, mít tinh hô vang khẩu hiệu: “Không người thợ nào làm quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cũng trong thời điểm đó, tại nước Mỹ đã nổ ra 5000 cuộc bãi công với hơn 340.000 công nhân tham gia. Ở Washington D.C, New York, Baltimore, Boston, có đến hơn 125.000 công nhân thực hiện mít tinh biểu tình đòi giảm giờ làm.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cùng với ý chí mãnh liệt của công nhân, giới chủ liền tìm cách để kìm hãm phong trào này. Theo đó, họ câu kết với cảnh sát, xả súng liên tục vào đoàn người biểu tình, khiến vô số người chết và bị thương. Rất nhiều người đứng đầu bị bắt. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm của mình, cuối cùng giới chủ cũng phải thuận theo nguyện vọng của công nhân.
Sau 3 năm từ thảm kịch tại Chicago ấy, vào ngày 20/6/1889 Quốc tế cộng sản II họp tại Paris. Dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels, Quốc tế cộng sản tại Đại hội lần thứ nhất đã quyết định lấy ngày 1/5 làm ngày Quốc tế lao động để biểu dương lực lượng công nhân trên toàn thế giới. Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 1/5/1890, lần đầu tiên Ngày quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm.
Ngày quốc tế lao động 1/5 mang ý nghĩa biểu dương lực lượng công nhân, thể hiện quyết tâm của họ. Đồng thời ngày lễ này cũng thể hiện được tinh thần đoàn kết cao của công nhân các nước trên toàn thế giới. Ngày 1/5 cũng biểu dương cho lực lượng lao động, cho hòa bình, tiến bộ xã hội.
Ở Việt Nam, ngày quốc tế lao động có ý nghĩa vô cùng to lớn. Sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời, giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 để biểu dương giai cấp, làm ngày đỉnh cao cho phong trào công nhân đòi quyền tự chủ, tự do, giành độc lập và giành được những quyền lợi về kinh tế - xã hội.
Trước khi cách mạng tháng 8 thành công, giai cấp công nhân kỷ niệm ngày quốc tế lao động bằng hình thức rải truyền đơn trong bí mật. Từ năm 1936, sau thắng lợi của Mặt trận dân chủ Đông Dương và mặt trận bình dân Pháp, lễ kỷ niệm ngày 1/5 đầu tiên được tổ chức công khai tại thủ đô Hà Nội với sự có mặt của đông đảo tầng lớp nhân dân, công nhân. Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định, Quốc tế Lao Động là ngày lễ chính thức của nước ta.
Ngày nay, ngày quốc tế lao động 1/5 là ngày hội lớn không chỉ của công nhân Việt Nam mà còn của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Ngày lễ này biểu thị cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa công nhân với nhân dân, giữa Việt Nam với những quốc gia khác, cùng mục tiêu đó là đấu tranh cho hòa bình, tự do và tiến bộ xã hội.