Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn hằng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến ấy - phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ rải xuống khắp chiến trường miền Nam trong 10 năm trời, bắt đầu từ ngày 10/8/1961. Từ năm 2004, ngày 10/8 hằng năm được lấy làm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Nhiều hành động, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được thực thi nhằm giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam, cùng chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cũng để thức tỉnh lương tri nhân loại cùng chung tay đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin, nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 15/01/1961, sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Kennedy đã tuyên bố dùng chất diệt cỏ để kiểm soát, ngăn chặn quân Cộng sản. Ngày 10/8/1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Chỉ trong 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971) quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích Miền Nam Việt Nam (trong đó có 44 triệu lít da cam/dioxin loại 2,4D và 2,4,5-T); 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần...
Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Đến nay, tại các sân bay quân sự Mỹ trước đây dùng để tập kết, vận chuyển chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn rất cao, đặc biệt là các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa Và Phù Cát.
Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm (1961 – 1971) đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác hại đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 58 năm qua. Đã có gần 4 triệu người bị phơi nhiễm Dioxin, trong đó gần 3 triệu người bị nhiễm Dioxin ở Việt Nam. Thảm hoạ da cam với biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Chất độc da cam/dioxin có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh. Tác động quan trọng trong gây đột biển gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC là dị dạng, dị tật hoặc tâm thần phân liệt… nó đã làm cho nhiều cặp vợ chồng hữu sinh vô dưỡng không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có hàng triệu cặp vợ chồng sinh từ 2 - 6, 7 người con đều bị tật nguyền, vô thức hoặc chết dần, chết mòn. Có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân, hiện có 3 con còn sống. Họ sinh và nuôi con mà ruột đau như cắt, nuôi con càng nhiều năm gia cảnh càng nghèo, con càng lớn càng đau khổ, nỗi khổ đeo đẳng cho cha, mẹ, ông bà và dòng họ trong suốt cuộc đời. Những ông bố, bà mẹ thì mang trong người những căn bệnh ung thư, bệnh nan y khác đang gặm nhấm từng tế bào giằng xé nỗi đau và cuộc sống của họ. Đặc biệt là CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.
Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh tật thường xuyên tự phát. Các nạn nhân là dân thường không còn khả năng sản xuất, không có nguồn thu. Mức chi phí nuôi dưỡng chữa bệnh lớn, vượt qua ngoài khả năng thanh toán của gia đình. Có thể nói “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”.
Với tinh thần đoàn kết dân tộc Đảng và Nhà nước ta đã cho phép thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ngày 10/01/2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp có hiệu quả như chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau với những gia đình có nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Những năm qua, dịp 10/8 đã thực sự trở thành những ngày hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, ngày hội “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Tinh thần ấy cần được cổ vũ, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của mỗi người đối với nạn nhân chất độc da cam, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.Lễ Vu lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.
Theo quan niệm của Phật giáo Trung Quốc, rằm tháng 7 gắn với lễ Vu Lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
Kinh Vu lan chép rằng Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất, ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát khổ sở. Với lòng hiếu thảo của mình Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ, tuy nhiên do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Thấy vậy Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát cho mẹ. Phật cũng dạy là: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu lan ra đời.
Tuy nhiên, sự tích này chỉ là hư cấu, do Phật giáo Trung Quốc tạo ra và không có thật trong lịch sử Phật giáo. Nó mang ý nghĩa về tinh thần, về sự biết ơn với cha mẹ hơn là ý nghĩa về lịch sử.
"Vu lan" là cách viết tắt của "Vu lan bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Trong đó, Ullam dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu lan bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng. Còn "báo hiếu", là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ.
Lễ Vu lan là ngày tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Lễ Vu lan diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, trùng với ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông.