Ngày 2 tháng 9 năm 2020

☀ Thứ Tư
2
🌙 Tháng Bảy
15
Năm Canh Tí
Tiết Xử Thử
Giờ Nhâm Tí
Ngày Mậu Thân
Tháng Giáp Thân
Giờ hoàng đạo: Tí (23-1), Sửu (1-3), Thìn (7-9), Tỵ (9-11), Mùi (13-15), Tuất (19-21)
Ngày Quốc Khánh
Lễ Vu Lan
Ngày
tháng
năm

Ngày Quốc Khánh

Ngày 2- 9 là ngày Quốc Khánh của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một ngày lễ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn với mỗi người dân Việt Nam.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một trong các tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hơn 50 vạn dân.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 chính là ngày độc lập dân tộc chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta. Ngày này cũng mở ra kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hiến pháp năm 1992, điều 145 có quy định: “Ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Quốc khánh”.

Nguồn gốc của ngày Quốc khánh Việt Nam

Theo các tài liệu lịch sử, sau khi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc kháng chiến thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chiến khu trở về căn gác 2, nhà số 8, phố Hàng Ngang, thủ đô Hà Nội để tiếp tục chỉ đạo phong trào kháng chiến. Ngày 25/8/1945, Bác đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội và đối ngoại, đồng thời ra quyết định về việc khẩn trương ra mắt Chính phủ lâm thời Việt Nam Cộng Hòa.

Từ sớm ngày 2/9/1945, hơn 50 vạn người với cờ hoa khoe sắc, đại diện cho mọi tầng lớp trong nhân dân đã có mặt ở Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ai nấy vẻ mặt cũng đều hân hoan chờ đón giây phút khai sinh chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng nhiều thứ tiếng được treo quanh đường phố. Ý chí quật cường của nhân dân ta được biểu lộ qua các dòng chữ “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”,... Cũng trong thời gian này, ở nhiều thành phố lớn khác đã diễn ra các cuộc mít tinh, diễu hành, hàng triệu trái tim cùng hồi hộp hướng về Hà Nội, chờ đợi giây phút thiêng liêng nhất.

Đúng 14 giờ, Bác Hồ cùng các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài uy nghiêm. Tại đây, Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định nước Việt Nam là một dân tộc độc lập, tự do, bất kỳ ai cũng không có quyền xâm phạm; Bên cạnh đó, Bác cũng đã vạch trần tội ác man rợ của Thực dân Pháp và Phát xít Nhật gây ra với nhân dân ta bằng những lập luận đanh thép, mạnh mẽ, không thể chối cãi được. Ở dưới, hàng vạn người vỗ tay hoan hô, phấn khởi tạo nên một bầu không khí náo nhiệt, tràn ngập niềm vui của những ngày đầu độc lập. Từ đó, ngày 2/9 luôn được nhớ đến là ngày Quốc khánh của nước Việt Nam.

Ý nghĩa ngày 2/9/1945 lịch sử

Ngày 2/9 như một mốc son chói lọi, như một “chứng nhân lịch sử” dù thời gian đã trôi qua nhưng những chiến tích vẻ vang của dân tộc vẫn còn mãi với thời gian, với bản tuyên ngôn bất hủ mà lớp lớp thế hệ sau này sẽ không thể nào quên.

Ngày 2.9.1945 là ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây chính là dịp để mỗi người dân Việt Nam bao gồm cả đồng bào trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, về đất nước. Là dịp để mỗi chúng ta cùng nhau tưởng nhớ đến những công lao, hi sinh to lớn của các thế hệ đi trước, những người đã quên mình hi sinh vì sự tự do, độc lập của dân tộc. Ngày 2/9 cũng là dịp để các thế hệ sau cùng nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc, từ đó trau dồi, trang bị thêm kiến thức, trí và lực để tiếp tục xây dựng, bảo vệ tổ quốc ngày một vững mạnh, phát triển hơn nữa.

Ngày nay, cứ tới dịp 2/9, đường phố nơi nơi đều ngập tràn cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chúc mừng. Đây chính là một ngày hội lớn, một ngày lễ lớn của toàn dân tộc.

Lễ Vu Lan

Lễ Vu lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.

Nguồn gốc lễ Vu Lan

Theo quan niệm của Phật giáo Trung Quốc, rằm tháng 7 gắn với lễ Vu Lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Kinh Vu lan chép rằng Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất, ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát khổ sở. Với lòng hiếu thảo của mình Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ, tuy nhiên do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Thấy vậy Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát cho mẹ. Phật cũng dạy là: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu lan ra đời.

Tuy nhiên, sự tích này chỉ là hư cấu, do Phật giáo Trung Quốc tạo ra và không có thật trong lịch sử Phật giáo. Nó mang ý nghĩa về tinh thần, về sự biết ơn với cha mẹ hơn là ý nghĩa về lịch sử.

Ý nghĩa lễ Vu lan

"Vu lan" là cách viết tắt của "Vu lan bồn", tiếng Phạn là "Ullambana". Trong đó, Ullam dịch là "treo ngược" (đảo huyền), ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; chữ "bồn" tiếng Phạn là "bana" tạm dịch là "cứu giúp". Như vậy chúng ta có thể hiểu từ "Vu lan bồn" có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng. Còn "báo hiếu", là sự báo đáp, đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ.

Lễ Vu lan là ngày tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Lễ Vu lan diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, trùng với ngày Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông.