Ngày 30 tháng 4 năm 2031

☀ Thứ Tư
30
🌙 Tháng Ba (nhuận)
10
Năm Tân Hợi
Tiết Cốc Vũ
Giờ Bính Tí
Ngày Canh Tí
Tháng Nhâm Thìn nhuận (nhuận)
Giờ hoàng đạo: Tí (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương
Ngày
tháng
năm

Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngày 30/4 là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc do Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chiến thắng vào ngày 30/4/1975 đánh dấu mốc son vàng chói lọi trong lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta. Quân và dân ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ - kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất trên thế giới lúc bấy giờ và chính quyền tay sai ở miền Nam, giành lại độc lập, chủ quyền và kết thúc cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho tổ quốc.

Vào ngày này hàng năm, người dân lại có dịp nhìn lại hình ảnh hào hùng của quân và dân ta đó là hình ảnh người chiến sĩ Bùi Quang Thận cắm lá cờ đầu tiên trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh dấu sự kiện Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mầu của chính thể Cộng hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sau đó, để ghi nhớ công ơn của Hồ Chủ tịch, Sài Gòn lúc bấy giờ được đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh.

Lịch sử ngày Giải phóng miền Nam

Khoảng cuối năm 1974 tới đầu năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận thấy tình hình lực lượng ở miền Nam có lợi cho Cách mạng nên đã đề ra chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị khẳng định “cả năm 1975 là thời cơ” và xác định rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì ngay lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam”.

Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng càng làm cho quân ta quyết tâm hoàn thành sớm chiến lược giải phóng miền nam. Do đó, Bộ Chính trị đã ra quyết định tập trung lực lượng, binh khí kỹ thuật, vật chất nhanh nhất trước mùa mưa và đặt tên chiến dịch là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 26/4 lúc 17 giờ quân ta bắt đầu chiến dịch. Năm cách quân của ta nhanh chóng vượt qua tuyến phòng thủ của địch và tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm cơ quan đầu não của địch. Vào 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng bộ binh húc cổng tiến đánh vào Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh vừa lên chức ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Và lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ đầu tiên được chiến sĩ Bùi Quang Thận cắm trên nóc Dinh, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ý nghĩa ngày Giải phóng miền Nam

Chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 lịch sử đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược tài tình của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo cách mạng, cũng như chứng minh được tinh thần bất khuất, tự cường, tự lực, bền bỉ, hào hùng của dân tộc Việt Nam ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.

Ngày 30 tháng 4 là ngày lễ toàn dân mang ý nghĩa lịch sử trọng đại, đây là dịp hàng năm nhắc nhở thế hệ con cháu về sự hi sinh và tinh thần quật khởi của đồng bào ta cùng máu và nước mắt vì sự độc lập, tự do của ngày hôm nay.

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hoặc Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm và tôn kính. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Lịch sử

Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê các vua và nhân dân địa phương đều đến lễ bái các vua Hùng. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, tổ chức ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 vào ngày 11 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.

Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch thì cử hành "quốc tế" hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.

Bia Hùng Vương từ khảo tại đền Thượng do Tham tri, Hữu tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn, cho biết: “Năm Khải Định thứ hai, tức năm 1917 lịch dương, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 một ngày, ngày 11 tháng 3, do dân sở tại cúng tế”. Đây cũng là cứ liệu xác tín nhất để xác định rõ ràng ngày lễ chính thức Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng Ba âm lịch chỉ được ban hành từ hoàng triều Khải Định.

Ngày 10 tháng Ba từ đó được dùng cho toàn quốc. Sau khi nền cộng hòa thành lập, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh, xem ngày 10 tháng Ba là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia, các công chức được nghỉ lễ có hưởng lương. Trong lễ Giỗ Tổ năm Bính Tuất (ngày 11 tháng 4 năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học bách khoa Hà Nội). Cũng trong ngày này, thừa ủy quyền Chủ tịch Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm tế cáo với Tổ tiên về đất nước đang bị Pháp xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Quốc gia Việt Nam Cộng hòa tại Miền Nam Việt Nam cũng đã ghi nhận ngày 10 tháng Ba là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975.

Từ năm 2001, ngày giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc giỗ nước Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới dù nét văn hóa và tín ngưỡng này không sâu đậm và phổ biến tại Nam Việt Nam.Từ năm 2007, ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ. Lễ hội đền Hùng những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức. Các năm chẵn sẽ có quy mô ở các cấp trung ương. Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng.v.v.

UNESCO đã công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng" là "kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại" vào ngày 6 tháng 12 năm 2012.

Hoạt động lễ hội

Lễ hội diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng.

Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội tại đền Hùng:

Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu, nhiều màu sắc của rất nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương.

Lễ dâng hương: Người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu của đời sống tâm linh. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để nhờ làn khói thơm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên. Theo quan niệm của người Việt, mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.

Phần hội có nhiều trò chơi dân gian. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.