Tết Trung thu, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, là một lễ hội truyền thống được kỉ niệm ở văn hóa của Việt Nam. Một văn hoá lâu đời từ Trung Quốc nhưng đến hiện tại đã phát triển thành ngày trẻ em của Việt Nam. Vào ngày lễ này, các gia đình thường ăn bánh nướng, bánh dẻo, uống trà hoặc rượu, trẻ em thì đeo mặt nạ, rước đèn lồng. Cúng rằm cũng là một hoạt động trong ngày lễ này.
Lễ hội Trung Thu có lịch sử hơn 3.000 năm, được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch của lịch Trung Quốc, khi trăng tròn vào ban đêm, tương ứng với giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 trong dương lịch. Vào ngày này, người Trung Quốc tin rằng Mặt trăng sáng nhất và tròn nhất, trùng với thời điểm thu hoạch giữa mùa Thu.
Những lồng đèn với mọi kích cỡ và hình dạng tượng trưng cho ánh sáng chỉ dẫn con đường của con người đến sự thịnh vượng và may mắn. Bánh trung thu là loại bánh ngọt thường được làm từ nhân đậu đỏ, lòng đỏ trứng gà, thịt hoặc nhân sen, và thường được ăn trong lễ hội này. Lễ hội Trung Thu dựa trên truyền thuyết về Hằng Nga, nữ thần Mặt trăng trong thần thoại Trung Quốc.
Các lễ tương tự được tổ chức ở các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore...
Tết Trung thu bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc. Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng, và chú Cuội trong cổ tích Việt Nam.
Người Trung Hoa đã ăn mừng thu hoạch vào ngày trăng tròn mùa thu kể từ thời Thương (c. 1600–1046 TCN)[8][9]. Từ "Trung thu" (中秋) xuất hiện đầu tiên trong Chu Lễ, bộ sách tổng hợp các nghi lễ từ thời Tây Chu (1046–771 TCN). Trong triều đình, Trung thu là lễ tế thần Thái Âm Tinh Quân (太陰星君). Điều này vẫn đúng trong Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Trung Quốc. Việc chào đón Tết Trung thu như một lễ hội chỉ trở nên phổ biến từ thời nhà Đường[10]. Truyền thuyết kể rằng Hoàng đế Đường Huyền Tông bắt đầu tổ chức lễ hội Trung Thu sau khi có dịp thăm cung trăng trên thiên đình[8]. Tết Trung Thu sau đó được truyền vào Việt Nam, từ thời nhà Lý đã có tổ chức Tết Trung thu như một lễ hội.
Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, tục treo đèn bày cỗ do điển xưa về việc vua Đường Minh Hoàng. Vào ngày sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày tiệc ăn mừng, từ đó thành tục.
Tục rước đèn có từ đời nhà Tống, do tục truyền rằng: Trong đời vua Tống Nhân Tông, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên biến thành con gái để đi hại người. Bấy giờ có viên quan Bao Công mới hạ lệnh cho dân gian làm đèn con cá giống như hình của nó rồi đem mang ra chơi ngoài đường để cho nó sợ mà không dám hại người.
Cũng theo Phan Kế Bính, tục hát trống quân có từ đời vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), "nguyên khi ông đem quân ra Bắc. Quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Nguyễn Huệ mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân".
Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, "dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".
Đồ chơi trẻ em trong Tết trung thu là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá,....Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.
Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu. Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, những người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa.