Ngày 7 tháng 5 năm 2001

☀ Thứ Hai
7
🌙 Tháng Tư
15
Năm Tân Tỵ
Tiết Lập Hạ
Giờ Bính Tí
Ngày Canh Ngọ
Tháng Quý Tỵ
Giờ hoàng đạo: Tí (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
Lễ Tam Hợp (Vesak)
Ngày
tháng
năm

Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ

Năm 1954, trên đại ngàn Tây Bắc đất nước, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạp bằng mọi khó khăn thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, dựng lên mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đồng thời làm “chấn động địa cầu”, tác động mạnh đến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, đáp lời Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, nhân dân Việt Nam đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược.

Dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Đến năm 1953, chúng ta đã làm chủ trên các chiến trường, tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta. Để cứu vãn tình thế, thu – đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã triển khai Kế hoạch Nava tăng cường binh lực và phương tiện chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam, giành lại thế chủ động trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị hòng tiếp tục sự chiếm đóng lâu dài. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự kiên cố.

Về phía ta, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược đông - xuân với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi sơ hở và nơi xung yếu của địch mà đánh, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, buộc địch phải phân tán lực lượng. Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Tây Nguyên, Trung Lào, Hạ Lào, Thượng Lào và Đông Campuchia, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng buộc quân Pháp lâm vào tình thế bị động chiến lược, phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp các chiến trường.

Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Ở đây tập trung 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 quân, đảm bảo nguồn tiếp viện trong quá trình tác chiến. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và nhận định, đánh Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất của quân đội ta từ trước tới nay và có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Ngày 25/1/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ chiến dịch đã đưa ra quyết định mới: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thực hiện phương châm mới, trận quyết chiến Điện Biên Phủ đã diễn ra trong 3 đợt:

Từ ngày 13 đến 17/3/1954, quân ta đã dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía bắc của tập đoàn cứ điểm, diệt và bắt sống trên 2000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại pháo của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích. Đêm ngày 6/5, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. Tên quan tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã ra đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7/5, ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, tướng Đờ Caxtơri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ngày 7/5/1954 trở thành ngày kỷ niệm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám; giải phóng miền Bắc, tạo cơ sở vững chắc để tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã củng cố niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại, đây là là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định giành thắng lợi.

Lễ Tam Hợp (Vesak)

Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Ðản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha.

Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Từ Tôn, cứu thế đã xuất hiện giữa Trung Ấn Ðộ để sau này trở thành một bậc Ðại Vĩ Nhân mở đầu cho một kỷ nguyên an lạc và giải thoát. Ngài ra đời nhằm ngày thứ sáu, rằm tháng Tư âm lịch. Lời nói đầu tiên của con người hi hữu phi phàm này ngay sau khi xuất hiện giữa trần gian ở vườn Lâm-tỳ-ni tại thành Ca-tì-la-vệ như sau:

"Ta là bậc cao nhất trên đời
Ta là người quý nhất trên đời
Ta là bậc chí tôn trên đời
Sự sinh ra của ta kiếp này là kiếp cuối cùng
Nay ta chẳng còn tái sinh nữa."

Ngài lớn lên trở thành người tài ba lỗi lạc, tướng mạo cực kỳ khôi ngô, sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, hầu xinh, giường ngà, chiếu ngọc, nhưng với chí nguyện "độ đời", lúc nào Ngài cũng băn khoăn, suy tư, khắc khoải, lo âu tìm kiếm một con đường giải thoát để cứu khổ cho chúng sanh đang u mê trong đêm tối của cuộc đời.

Vượt kinh thành, xuất gia tìm đạo và trải qua sáu năm khổ hạnh, màn trời chiếu đất cơ cực trăm bề, rốt cuộc Ngài tự phát hiện ra con đường Trung đạo, có năng lực đưa đến thoát ly sinh tử, và cuối cùng Ngài đã đắc đạo quả trong ngày thứ ba, rằm tháng Tư. Lời nói đầu tiên của đức Thế Tôn sau khi đắc thành quả Phật là:

"Trong vô số lượng kiếp, Như Lai còn lặn lội tìm kiếm người thợ cất nhà thì sự sanh đã khiến Như Lai đau khổ không ngừng. Này người thợ nhà kia, ngươi đã bị Như Lai khám phá ra rồi, đừng hòng cất nhà cho Như Lai được nữa, sườn nhà, nóc nhà đã bị Như Lai phá vỡ và triệt hạ, tâm Như Lai hoàn toàn vô hành, vô nhiễm."

Sau khi chứng quả Chánh Biến Tri, thay vì an hưởng quả vị siêu thoát một mình, nhưng với lòng từ bi vô lượng thúc đẩy Ngài không nỡ để cho chúng sanh chìm ngập khổ sầu mãi trong biển lệ trầm luân, nên Ngài nỗ lực suốt 45 năm trường đem đạo vàng truyền bá khắp nơi, nhằm một mục đích duy nhất là đem lại hạnh phúc và giải thoát cho chư thiên và nhân loại.

Cuộc đời hoằng hóa lợi sinh của đức Phật trong suốt 45 năm, mỗi ngày được chia ra làm 5 công việc như sau:

  1. Sáng, đi khất thực và gieo duyên lành cho chúng sanh.
  2. Chiều, thuyết pháp cho chúng sanh.
  3. Tối, giáo giới chư Tăng.
  4. Khuya, giảng pháp và trả lời thắc mắc cho chư thiên.
  5. Rạng đông, dùng Phật nhãn xem xét trong tam giới có chúng sanh nào hữu duyên để tế độ hôm ấy.

Do đó đời Ngài hoàn toàn hy sinh để thực hiện hạnh độ đời cho đến hơi tàn sức kiệt, Ngài thở về Câu-thi-la và Ngài tịch diệt. Thân Ngài nằm giữa hai cây Long Thọ,và hôm ấy nhằm ngày thứ tư, rằm tháng Tư. Lời nói sau cùng của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là:

"Nầy chư Tỳ kheo, từ lâu nay các con nương nhờ nơi Như Lai, nay Như Lai sắp từ giả các con, kiếp sống thật là ngắn ngủi, vạn vật có sự tan rã là lẽ thường. Các con không nên có sự buồn khổ, các con hãy cố gắng chuyên cần hành đạo và đừng nên dễ duôi. Sau khi Như Lai nhập Niết bàn, Kinh-Luật là thầy của các con vậy."

Như vậy ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Ðản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn.

Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật. Ðời Ngài đã thuộc về quá khứ nhưng uy danh Ngài vẫn sống mãi với trào lưu lịch sử. Do đó, để tưởng nhớ đến ngày kỷ niệm lịch sử của Ngài, các chùa trong hệ Phật giáo Nam tông có tổ chức thọ hạnh Ðầu đà thức trọn đêm không nằm không dựa để tham thiền, tụng kinh, chiêm bái Xá lợi đức Phật Tổ, hái hoa Phật pháp, gieo duyên học Phật, luận đạo, kinh hành v.v... hầu cúng dường đức Phật một đêm không ngủ để gieo duyên lành giải thoát và giác ngộ.

Cầu chúc quý vị hưởng mùa Phật Ðản vui vẻ hạnh phúc trong ánh hào quang từ bi, trí huệ của đức Phật Tổ Như Lai.